Nguồn gốc Nguyệt_Chi

Những ghi chép đầu tiên về người Nguyệt Chi có từ năm 645 TCN trong Quản tử (管子) của tác giả Trung Quốc Quản Trọng. Ông miêu tả người Ngu Chi (禺氏,) hay Ngưu Chi (牛氏,) là những người từ miền tây bắc đã cung cấp ngọc bích cho người Hán từ những dãy núi gần đó của nước Ngu Chi 禺氏 tại Cam Túc. Việc cung cấp ngọc bích từ lòng chảo Tarim trong thời cổ đại đã dược chứng minh khá rõ ràng bằng các tài liệu khảo cổ học: "Một điều rất rõ ràng là các vị vua Trung Quốc cổ đại rất thích ngọc bích. Tất cả các đồ bằng ngọc bích khai quật được tại khu lăng mộ của Phụ Hảo nhà Thương, chứa trên 750 miếng, tất cả đều từ Hòa Điền (Khotan) thuộc Tân Cương ngày nay. Từ rất sớm, khoảng giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên thì người Nguyệt Chi đã tham gia vào việc buôn bán ngọc bích, trong đó những người tiêu dùng chủ yếu là các vị vua của nước Trung Hoa nông nghiệp"[1].

Người Nguyệt Chi cũng được đề cập chi tiết trong các sử sách Trung Hoa, cụ thể là trong "Sử Ký" (thế kỷ 2-1 TCN) của Tư Mã Thiên. Theo các tài liệu này, "người Nguyệt Chi ban đầu sống trong khu vực giữa Kỳ Liên Sơn (hoặc Thiên Sơn) và Đôn Hoàng" (Sử Ký, 123), tương ứng với nửa phía đông của lòng chảo Tarim và phần phía bắc của Cam Túc[2].

Người Nguyệt Chi có thể là những người thuộc đại chủng Kavkaz, như được chỉ ra bởi các chân dung của các vị vua trên các đồng tiền họ đã đúc ra sau khi di cư tới Transoxiana (thế kỷ 2-thế kỷ 1 TCN), và đặc biệt là các đồng tiền họ đúc tại Ấn Độ khi cai trị vương triều Quý Sương (thế kỷ 1-thế kỷ 3). Tuy nhiên, không có các ghi chép trực tiếp nào về tên gọi của các vị vua Nguyệt Chi, và các chân dung trên những đồng tiền đầu tiên của họ có thể không chính xác.

Các nguồn tư liệu của người Trung Hoa cổ đại đã miêu tả sự tồn tại của "người da trắng với tóc dài" (Người Bạch trong Sơn Hải Kinh) bên ngoài biên giới phía tây bắc của họ, và các xác ướp Tarim được bảo quản khá tốt với các đặc trưng của người Kavkaz, thường với tóc hung vàng hoặc nâu đỏ, hiện nay được trưng bày tại viện bảo tàng Ürümqi (Ô Lỗ Mộc Tề) và có niên đại khoảng thế kỷ 3 TCN, đã được tìm thấy trong cùng một khu vực của lòng chảo Tarim.

Các ngôn ngữ Tochari Ấn-Âu cũng đã được chứng thực trong cùng một khu vực địa lý. Mặc dù chứng cứ chữ khắc đầu tiên hiện đã biết chỉ có niên đại vào khoảng thế kỷ 6, nhưng mức độ phân hóa giữa tiếng Tochari A và Tochari B cũng như sự thiếu vắng các dấu tích của tiếng Tochari bên ngoài khu vực này đều có xu hướng chỉ ra rằng tiếng Tochari chung đã từng tồn tại trong cùng khu vực định cư của người Nguyệt Chi trong nửa sau của thiên niên kỷ 1 TCN.

Theo một giả thuyết, người Nguyệt Chi có lẽ là một phần của nhóm lớn những người di cư nói các thứ tiếng thuộc hệ ngôn ngữ Ấn-Âu, đã từng định cư ở miền đông khu vực Trung Á (có thể xa tới tận Cam Túc) vào thời gian đó. Một ví dụ khác là các xác ướp của người Kavkaz tại Pazyryk, có lẽ có nguồn gốc là người Scythia, nằm cách khu vực của người Nguyệt Chi khoảng 1.500 km về phía tây bắc và có niên đại khoảng thế kỷ 3 TCN.

Theo các tài liệu thời nhà Hán, người Nguyệt Chi "đã rất phồn thịnh" trong thời gian trị vì của vị hoàng đế đầu tiên của nhà Tần, nhưng họ thường xuyên có mâu thuẫn với bộ lạc láng giềng là người Hung Nô ở phía đông bắc.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nguyệt_Chi http://www.transoxiana.com.ar/Eran/Articles/benjam... http://reference.allrefer.com/country-guide-study/... http://www.guoxue.com/discord/xwm/jnsj.htm http://muse.jhu.edu/journals/jwh/ http://www.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?lookup=... http://depts.washington.edu/silkroad/texts/hhshu/h... http://depts.washington.edu/silkroad/texts/hhshu/h... http://depts.washington.edu/silkroad/texts/hhshu/n... http://depts.washington.edu/silkroad/texts/weilue/... http://depts.washington.edu/uwch/silkroad/texts/hh...